Bạn băn khoăn không biết chuẩn bị gì cho cuộc phỏng vấn xin việc sắp tới. Bạn lo lắng không biết nên ăn mặc, ứng xử thế nào cho phù hợp. Những mách nhỏ sau chắc chắn sẽ giúp bạn tự tin hơn khi đi phỏng vấn.
1. Trang phục: Dù rất nhiều công ty không cầu kỳ về trang phục nhưng khi tham dự phỏng vấn, bạn vẫn cần chú ý đến điều này. Hãy chọn những bộ đồ sang trọng, lịch sự trong buổi ra mắt nhà tuyển dụng. Với nam giới, đừng bao giờ quên đeo cà vạt, còn chị em phụ nữ thì nên mặc quần bó, áo blu để tạo sự nhã nhặn, lịch sự.
2. Trang sức: Đồ trang sức luôn giúp bạn trông tự tin, ấn tượng hơn. Vì thế, khi đi phỏng vấn, nên chịu khó trang điểm một chút và chọn cho mình trang sức phù hợp như nhẫn, vòng tay, vòng cổ… Nếu bạn có hình xăm thì đừng phô ra nhé vì rất ít nhà tuyển dụng có ấn tượng tốt với những ứng viên xăm mình. Nếu không xóa bỏ hẳn thì ít nhất bạn cũng nên tìm mọi cách dấu nó đi, để nhà tuyển dụng không thấy được chúng
3. Tìm hiểu về công ty: Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay thì việc tìm kiếm thông tin về công ty bạn đang apply càng trở nên dễ dàng. Vì thế, hãy dành thời gian tìm hiểu chi tiết một chút bởi bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng muốn bạn có những hiểu biết nhất định về công ty trước khi về đầu quân cho họ. Bỏ qua điều này nghĩa là bạn đang để cơ hội tuột khỏi tầm tay và giúp các ứng viên khác tiến thêm một bước trong hành trình đi tìm việc.
4. Nói năng lưu loát: Tốt nhất là bạn nên thực hành với bạn bè hoặc người thân ở nhà trước khi bước vào cuộc phỏng vấn thực sự của nhà tuyển dụng. Hãy chọn lọc thông tin và trả lời thật lưu loát, ngắn gọn súc tích. Không nên nói quá nhiều, dài dòng bởi nó dễ khiến bạn gặp rắc rối vì vô tình để lộ ra những nhược điểm của mình. Hơn nữa, trong lúc trao đổi với nhà tuyển dụng, bạn tuyệt đối không nên chen ngang hoặc ngắt lời họ một các thiếu lịch sự, thay vào đó hãy ghi nhớ và trả lời đầy đủ các câu hỏi nhà tuyển dụng đặt ra.
5. Chuẩn bị sẵn câu trả lời: Điều này nghe có vẻ vô lý vì ai biết nhà tuyển dụng hỏi những gì để mà chuẩn bị nhưng thực tế, các bạn cần biết rằng, đa số các nhà tuyển dụng đều dựa vào những câu hỏi mang tính chuẩn mực, có sẵn và từ đó phát triển thành một list các câu hỏi cho riêng mình. Đó là những câu hỏi dạng như “mục tiêu của bạn trong 5 năm tới là gì”, “khi còn là một đứa trẻ bạn đã mong muốn điều gì” hoặc “điều gì khiến bạn nghĩ mình là ứng viên sáng giá cho vị trí chúng tôi đang tuyển dụng”. Hãy chuẩn bị câu trả lời cho những câu hỏi kiểu này. Cũng có một số nhà tuyển dụng thường chọn câu hỏi mang tính chất tìm hiểu về bản thân ứng viên, lúc đó hãy trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ về quá trình học tập và kinh nghiệm làm việc của mình.
6. Giải pháp trì hoãn: Khi có cơ hội thực hành trước với người khác, nên nhờ họ hỏi những câu mang tính trao đổi. Hãy chịu khó thực hành để trả lời thật lưu loát các câu hỏi, nó sẽ giúp bạn tránh vấp váp khi vào phỏng vấn. Trong trường hợp bạn bí quá, chưa nghĩ ra câu trả lời cho phù hợp, hãy bình tĩnh bằng cách thở sâu và trì hoãn bằng cách mỉm cười xin phép nhà tuyển dụng một chút thời gian để suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời.
7. Thể hiện năng lực bản thân: Hãy điền đầy đủ vào hồ sơ xin việc nhưng khi phỏng vấn, hãy nói với nhà tuyển dụng rằng mức lương nên để hai bên thương lượng. Bạn nên nói một cách rõ ràng và rành mạch để thể hiện bạn thực sự là một ứng viên hoàn hảo từ ngoại hình đến năng lực.
8. Những điều cần tránh: Đừng bao giờ đưa những thông tin về lương lậu vào CV hay đơn xin việc bạn gửi cho nhà tuyển dụng. Khi vào phỏng vấn, tuyệt đối không nhai kẹo ca su hay ăn bất kỳ thứ gì. Nếu thực sự cảm thấy bất an, bạn có thể nhấp một ngụm nước lễ tân đã mang cho bạn. Ngoài ra, bạn không được chen ngang, ngắt lời khi nhà tuyển dụng đang nói, đừng chọn những chiếc váy quá sắc sỡ, đồng bóng hoặc quá hở hang, không nên dùng nước hoa và phải tránh những hành động khiếm nhã trong suốt quá trình phỏng vấn.
9. Gửi thư cảm ơn: Sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, hãy gửi thư cảm ơn những người có mặt trong cuộc phỏng vấn hôm nay đã giúp cho cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp.
10. Kết quả phỏng vấn: Nếu nhà tuyển dụng feedback lại là bạn đã vượt qua vòng phỏng vấn, là ứng viên mà công ty lựa chọn thì đó thực sự là một tin tốt lành. Tuy nhiên, trong trường hợp thông tin không tốt hay nói cách khác bạn đã bị loại, dù đang buồn nhưng hãy lắng nghe những gì nhà tuyển dụng phản hồi để hiểu tại sao những ứng viên khác được lựa chọn. Nếu bạn rút ra được những bài học cho mình từ lần phỏng vấn này, chắc chắn bạn sẽ sớm thành công với một công việc như ý.
Nguồn: Internet