Trong xã hội thường sẽ tồn tại hai nhóm người, một nhóm luôn thành công trên các lĩnh vực họ chọn và một nhóm thì ngược lại. Tại sao một số người dường như tỏa sáng trong bất kỳ công việc nào mà họ chọn để thể hiện bản thân nhưng những người khác thì không thể, ngay cả việc họ không thể quản lý được khả năng của chính mình. Nghiên cứu cho thấy rằng đó là cách vận hành suy nghĩ của họ về khả năng của bản thân mình.
Về Growth Mindset và Fixed Mindset
Theo như nhà tâm lý học Carol Dweck thì con người chúng ta có hai xu hướng tư duy, đó là Growth mindset (tư duy tăng trưởng) và Fixed Mindset (tư duy cố định).
Những người có tư duy tăng trưởng tin rằng những phẩm chất, kĩ năng, năng lực hay kiến thức đều có thể đạt được nhờ sự nỗ lực, và họ không ngừng cố gắng, thử thách bản thân nhiều hơn, cũng như học hỏi từ những thất bại của chính mình.
Ngược lại, những người có tư duy cố định lại luôn tin rằng năng lực, tài năng, trí thông minh là những thứ được định hình ngay từ ban đầu và chúng ta không thể thay đổi được chúng.
Như Carol Dweck có đề cập đến một trường trung học phổ thông ở Chicago. Ở đó, khi học sinh không vượt qua được kì thi thì họ sẽ nhận được mức điểm là “Not yet (chưa hoàn thành)” thay vì “Fail (thất bại)”.
Và khi nhận được điểm “Not yet”, học sinh sẽ hiểu rằng họ vẫn đang đi tiếp trên con đường học tập và tiếp tục phát triển bản thân để hoàn thành việc đó trong tương lai.
Trong khi đó, nếu như học sinh nhận được điểm “Fail”, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh đó, khiến cho học sinh đó hình thành nên những suy nghĩ tiêu cực, ví dụ như mình không đủ giỏi, hay mình không thể khá hơn…
Những điều này đã khiến cho Carol muốn tiến hành thêm một cuộc thử nghiệm nữa.
Lần này, bà đưa cho những đứa trẻ 10 tuổi một vấn đề được xem là khó giải quyết so với lứa tuổi của chúng. Sau đó, kết quả bà nhận được thực sự rất khác biệt, có thể chia thành hai nhóm như sau:
Một nhóm học sinh phản ứng rất tích cực với thử thách này, họ thích nó và cho rằng những thử thách khó sẽ giúp họ phát triển hơn. Đây là nhóm có tư duy tăng trưởng.
Trong khi đó, những học sinh ở nhóm còn lại phản ứng hoàn toàn trái ngược
Còn bây giờ, hãy nhìn lại chính bạn xem, bạn nhận thấy mình là người có tư duy tăng trưởng hay tư duy cố định?
Lợi ích của tư duy tăng trưởng?
Đầu tiên, những người có tư duy tăng trưởng luôn không ngừng cố gắng, họ luôn kiên cường khi đối mặt với những vấn đề khó khăn để tìm cho bằng được cách giải quyết ổn thỏa.
Ngoài ra, vì họ biết khả năng của bản thân có thể phát triển được hơn nữa nhờ vào sự nỗ lực nên những người này luôn mang tư tưởng cầu tiến, tích cực thay vì tiêu cực và tự trách móc bản thân khi gặp phải những thất bại hay khó khăn.
Và hơn hết, sau những thất bại, họ xem đây là một trải nghiệm thú vị và tìm cách để học hỏi, sửa sai từ những trải nghiệm đó.
Cho nên, những thất bại được xem là cơ hội để họ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đúng với câu nói “thất bại là mẹ của thành công” đó các bạn. Thất bại và rút kinh nghiệm để không lặp lại những thất bại đó trong tương lai.
Cách để luyện tập và xây dựng tư duy tăng trưởng
1. Hãy luôn biết cách động viên và khích lệ bản thân
Hãy tự động viên, khích lệ bản thân bằng những phần thưởng nhỏ khi bạn hoàn thành một tiến trình trong công việc nào đó, hay là một sự phát triển nhỏ mà bạn vừa thực hiện được trong khi tiếp tục nỗ lực để hướng đến mục tiêu cao hơn.
2. Thử thách bản thân
Theo nghiên cứu khoa học, mỗi khi chúng ta học được một thứ gì mới và khó khăn hơn thì các neuron thần kinh sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, liên kết với nhau chặt chẽ hơn và sau nhiều lần như vậy, chúng ta sẽ dần trở nên thông minh hơn.
Vậy nên, việc liên tục thử thách với những vấn đề khó và đưa bản thân ra khỏi sự thoải mái là cách để chúng ta cải thiện kĩ năng bản thân và phát triển tư duy rất hiệu quả.
Một ví dụ mà mình nghĩ là mọi người rất dễ thấy đó là, thay vì chỉ làm đi làm lại những bài toán cũ rích đã biết rõ cách giải, thì bây giờ… bạn hãy thử thách bản thân với những bài toán nâng cao hơn, điều này sẽ giúp chúng ta nâng cao khả năng tư duy và dần giải được những bài khó hơn nữa.
3. Hiểu và chấp nhận bản thân
Trên thực tế, không phải ai cũng hiểu, hay có thể chấp nhận được mọi đặc điểm của bản thân mình. Đó là sự thật !
Vậy nên mỗi chúng ta nên dành thời gian để nhìn nhận và hiểu về những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình. Từ đó, chúng ta có thể tìm cách để hạn chế, khắc phục điểm yếu cũng như phát triển những điểm mạnh.
có thể nói, niềm tin vào bản thân chính là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến thái độ, tư duy và sự thành công của mỗi chúng ta.
Và con đường đến thành công thì luôn đầy rẫy những khó khăn, thử thách. Vậy nên, việc nỗ lực thay đổi bản thân và xây dựng một tư duy đúng đắn là điều rất cần thiết để giúp bạn có thể tiến gần hơn đến mục tiêu của mình !