“Cần cù” liệu có bù được “thông minh”? Tại sao chỉ học giỏi thôi chưa đủ để thành công?

Bạn không thể lựa chọn được việc mình có là một đứa trẻ thông minh khi sinh ra hay không, nhưng việc bạn có tài giỏi và thành công hay không hoàn toàn nằm ở quyền quyết định của bạn.

 

Thế nào là 1 người thành công? Bạn có định nghĩa được không? Quan điểm thành công của mỗi người một khác nhưng nó đều dựa trên 1 điều cơ bản: Khi bạn hài lòng với những gì bạn muốn đạt được, nghĩa là bạn đang thành công.

Chúng ta vẫn thường được dạy từ bé rằng: “Con cố mà học đi, lớn lên còn làm ông nọ bà kia“. Trong đầu ai cũng đóng khung tư tưởng muốn thành công, muốn giàu có chỉ có 1 con đường duy nhất là học. Đúng, học để thành tài là điều không thể chối cãi, nhưng chỉ học kiến thức trong sách vở liệu có đủ để thành công. Ra đời làm việc phải chăng chỉ cần áp dụng tất cả những gì đã được học ở nhà trường.

Bạn có biết tại sao trên mạng luôn nhan nhản những bài viết có nội dung tương tự nhau: 50 điều trường học không dạy bạn, 40 điều bạn chưa bao giờ được biết đến khi còn ngồi trên ghế nhà trường… Vì chúng ta luôn cảm thấy mình thiếu 1 thứ gì đó, luôn cảm thấy những gì mình học là chưa đủ. Chúng ta luôn khao khát được học, được biết thêm nhiều điều mới vì ai cũng hiểu, học chưa bao giờ là đủ!

Và mục đích cuối cùng của việc học là để có thể đạt được những thành công cho riêng mình. Ai cũng cố gắng học thật giỏi, ai cũng mong mình thông minh để có thể học được thật nhiều điều, để học thật nhanh. Thế nhưng, có phải cứ học giỏi, cứ thông minh là thành công sẽ đến? Có khi nào những người không được thông minh, những người có kết quả học tập không tốt thì sẽ không bao giờ có được thành công?

Ai cũng muốn thành công nhưng không phải ai cũng biết bản thân muốn gì và phải làm gì

Thành công nghe có vẻ to tát nhưng thực ra lại là một điều không thể định nghĩa vì mỗi người có một khái niệm riêng cho mình về thành công. Có thể với bạn, thành công là làm chủ một doanh nghiệp lớn, có một tài sản khổng lồ nhưng với người khác thành công chỉ đơn thuần là có thể chơi một loại nhạc cụ, giỏi một môn thể thao để trở thành cầu thủ. Vì vậy, nếu muốn thành công, bạn cần biết bản thân mình cần gì, muốn cố gắng vì điều gì trước thì mới có thể xác định được con đường cụ thể để thành công.

Cần cù liệu có bù được thông minh? Tại sao chỉ học giỏi thôi chưa đủ để thành công? - Ảnh 1.

Bạn làm gì khi rảnh rỗi?

Khi nào bạn có thể nói là mình thành công. Đó là khi bạn cảm thấy hài lòng với những gì đang có, khi bạn không lấy cuộc sống của người khác để so sánh với chính mình. Thành công nghĩa là bạn đạt được mục tiêu đã đề ra bất kể mục tiêu đó bình thường hay tầm cỡ. Quan trọng nhất, khi bạn thấy nỗ lực của mình được đền đáp xứng đáng, bạn tự hào về những gì đã làm được, về sự cố gắng của bản thân nhưng không tự thỏa mãn mà vẫn tự nhắc mình phải cố gắng hơn nữa, khi đó bạn có thể coi là mình đã thành công.

Mọi người không nhìn vào nỗ lực của bạn, họ chỉ quan tâm kết quả.

Thấy một người thành công là mặc định nghĩ bố mẹ họ giàu có hoặc họ được sinh ra với một trí thông minh xuất chúng… là điều mà chúng ta thấy rất nhiều trên mạng xã hội. Phần lớn chúng ta chỉ nhìn vào những gì họ làm được mà không mấy quan tâm đến việc họ phải làm những gì, phải nỗ lực bao nhiêu để đạt được kết quả đó. Buồn hơn nữa là khi những nỗ lực của bạn không mang lại một kết quả tốt thì tuyệt nhiên sẽ chẳng có bất kỳ ai để ý đến bạn, chứ chưa nói đến việc họ có hiểu những khó khăn của bạn hay không.

Cần cù liệu có bù được thông minh? Tại sao chỉ học giỏi thôi chưa đủ để thành công? - Ảnh 2.

Có phải cứ khen là tốt và chê bai là tiêu cực?

Khen ngợi người khác là một điều tốt nhưng làm thế nào để lời khen mang lại những giá trị thực thì không phải ai cũng làm được. Chúng ta thường khen một ai đó thông minh, khen ai đó có giọng hát trời phú,… Thậm chí, chúng ta còn lặp đi lặp lại những lời khen rất nhiều lần.

Tâm lí con người thường rất dễ trở nên tự mãn nếu liên tục nhận được những lời khen, họ sẽ coi sự thông minh là một lợi thế giúp họ bớt vất vả hơn những người khác. Có những người vì nghe những lời khen mà ngộ nhận về khả năng của mình, tin rằng mình không cần cố gắng quá nhiều cũng có thể đạt được kết quả tốt.

Cần cù liệu có bù được thông minh? Tại sao chỉ học giỏi thôi chưa đủ để thành công? - Ảnh 3.

Thay vào đó, tại sao bạn không khen ngợi ai đó hết lòng vì những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của họ. Một lời khen vì những nỗ lực thực sự sẽ càng củng cố niềm tin cho người khác là họ đang đi đúng đường, đang làm đúng cách, rằng sự cố gắng là điều quan trọng nhất mà họ phải làm. Đó mới chính xác là một lời khen giá trị.

Ngược lại, chưa chắc những lời phê bình, chê bai đã là điều tồi tệ. Một người có ý chí sẽ không bao giờ để sự phán xét của người khác ảnh hưởng đến quyết tâm của bạn thân. Vì họ vốn dĩ biết mình không thông minh, không có nhiều khả năng đặc biệt như người khác nên cách duy nhất học có thể làm là nỗ lực và chăm chỉ.Những lời chê bai không phải lúc nào cũng tệ. Nhờ lắng nghe những ý kiến không hay về mình mà họ biết bản thân thiếu sót chỗ nào, cần khắc phục ra sao. Nếu là một người có tinh thần cầu tiến thì những lời phê bình đúng chỗ còn có giá trị hơn nhiều lần những sự tán dương, khen ngợi.

Cần cù liệu có bù được thông minh? Tại sao chỉ học giỏi thôi chưa đủ để thành công? - Ảnh 4.

Nhưng, cần cù có bù được thông minh? Người học giỏi và người thành công có là một?

Tờ Biological Psychology đã đưa ra 1 nghiên cứu rất thú vị: Tất cả những người tham gia được chia làm 2 nhóm, 1 nhóm sẽ nhận lời khen: Bạn rất thông minh! Nhóm còn lại được khích lệ bằng câu: Bạn đã làm việc rất chăm chỉ!

Và kết quả thật bất ngờ, khi độ khó của nhiệm vụ được tăng lên, nhóm thứ 2 có hiệu quả công việc tốt gấp nhiều lần nhóm thứ 1. Những câu động viên về nỗ lực làm việc của nhóm 2 thực sự đã mang lại kết quả tốt. Nghiên cứu này đã chỉ ra 1 điều rằng: Khi chúng ta tập trung vào tầm quan trọng của việc nỗ lực, chúng ta dường như sẽ luôn cố gắng học hỏi nhiều nhất có thể, thậm chí là học hỏi từ những sai lầm.

Cần cù có bù được thông minh không? Câu trả lời là có! Thông minh giúp bạn làm mọi việc dễ dàng hơn những chỉ có nỗ lực và quyết tâm mới thúc đẩy bạn xử lý đến tận cùng của vấn đề. Bạn không thể lựa chọn được việc mình có là một đứa trẻ thông minh khi sinh ra hay không, nhưng việc bạn có trở nên tài giỏi và thành công hay không hoàn toàn nằm ở quyền quyết định của bạn. Bạn lựa chọn theo đuổi việc học hành và cố gắng không ngừng cho những điều bạn thực sự mong muốn, thành công sẽ theo đuổi bạn.

Cần cù liệu có bù được thông minh? Tại sao chỉ học giỏi thôi chưa đủ để thành công? - Ảnh 5.

Nếu bạn làm việc gì đó một lần, hai lần vẫn chưa thành thì đừng vội nghĩ bạn kém cỏi, hãy nghĩ bạn chưa đủ cố gắng. Một người thợ lành nghề phải trải qua cả nghìn sản phẩm bị lỗi mới có được một đôi tay linh hoạt và đôi mắt chính xác. Một đầu bếp nổi tiếng thế giới cũng đã từng làm cháy đồ ăn, nấu quá mặn hay quá nhạt cả trăm lần mới có thể không cần nhìn mà vẫn nêm nếm gia vị hoàn hảo. Thành công thường không đến ngay từ lần đầu tiên mà nó là kết quả của một quá trình dài liên tục cố gắng, liên tục thực hành, không ngại bắt đầu lại nếu thất bại. Thậm chí kiến thức của bạn có tốt đến đâu, nếu không được vận dụng liên tục vào thực tế thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.

Cần cù liệu có bù được thông minh? Tại sao chỉ học giỏi thôi chưa đủ để thành công? - Ảnh 6.

Hay nếu có một ai đó nói bạn bất tài, đừng để tâm. Bạn biết đấy, có rất nhiều người trên thế giới không có tài năng gì nổi bật, thậm chí họ từng bị coi là vô dụng, ngu dốt, nhưng họ vẫn thành công và khiến cả thế giới phải ngước nhìn như ông vua hoạt hình Walt Disney hay vua sáng chế Edison chẳng hạn. Họ là minh chứng sống để khẳng định rằng nỗ lực có thể làm nên những điều kì diệu. Hãy cứ im lặng làm việc chăm chỉ, nỗ lực và cống hiến hết mình.

Cần cù liệu có bù được thông minh? Tại sao chỉ học giỏi thôi chưa đủ để thành công? - Ảnh 7.

“Cần cù bù thông minh” có lẽ là lời khuyên đơn giản nhưng ý nghĩa nhất dành cho tất cả mọi người. Bạn có thể không thông minh, nhưng nhất định không được lười biếng và thiếu quyết tâm vì không có bất cứ điều gì có đủ khả năng và sức mạnh để “bù” được giá trị của nỗ lực và chăm chỉ.

Nguồn: Internet